TẠI SAO PHẢI PHÁT NGUYỆN? Người nào muốn vãng
sanh về Tây-Phương Cực-Lạc phải phát tâm nguyện mong muốn được vãng sanh về
Tây-Phương một cách tha thiết mới được.
Thường thường các pháp môn tự lực tu chứng, người
ta rất chú trọng về cảnh giới chứng đắc, đó là điều kiện bắt buộc phải có để họ
thoát vòng sanh tử luân hồi. Tự lực tu chứng nếu không đạt được một cảnh giới
chứng đắc tương ứng, thì nhất định luân hồi sanh tử không cách nào thoát được.
Nói tổng quát, cách tu này chính là tự lực “Đoạn Hoặc Chứng Chơn”, nghĩa
là tự diệt đoạn cho sạch nghiệp chướng
để vào cảnh giới Chơn-Thường.
Những vị tu theo các pháp tự lực, vì đường tu của
họ là quyết lòng đoạn sạch nghiệp chướng để cầu chứng cảnh Chơn-Thường nên ý
chí rất mạnh, họ không tin tưởng có một phương cách nào khác khả dĩ giúp cho một
chúng sanh vượt qua ba cõi ngoài chính năng lực của mình. Khi gặp được câu
A-Di-Đà Phật quá nhiệm mầu, họ cũng niệm Phật, nhưng thường dùng câu Phật hiệu
để hỗ trợ cho hướng cầu chứng đắc, nghĩa là ứng dụng câu Phật hiệu giống như
câu thoại đầu hỗ trợ vào pháp tu tự lực, thành ra niệm Phật để cầu chứng đắc,
chứ không phải cầu vãng sanh.
Niệm Phật cầu chứng đắc thì vô tình biến pháp
môn Nhị-Lực vãng sanh thành pháp Tự-Lực tu chứng.
Pháp môn Niệm-Phật là pháp môn nhị lực, nương
nhờ lực tiếp dẫn của đức Phật A-Di-Đà đưa ta về Tây-Phương. Phần tự lực của người
hành trì pháp môn Niệm-Phật là ba điểm Tín-Nguyện-Hạnh. Người niệm Phật
chúng ta phải nắm cho thật vững tông chỉ của pháp môn, đừng nên sai lệch. Nên
nhớ, lệch một ly có thể đi xa ngàn dặm đó.
Điểm thứ nhất, người phàm phu như chúng ta
không cách nào có thể tự tu chứng được. Thông thường chỉ chờn vờn chờn vờn
trong những cảnh giới thấp nhất, nếu cố gắng lắm cũng chẳng qua tìm cách lắng đọng
tâm hồn, để được chút ít phần thanh tịnh. Nói chung là chờn vờn giữa cảnh “Động”
và “Tịnh” mà thôi, chứ khó có thể cao hơn nữa.
Thực tế tâm hồn của chúng ta còn lo lắng đủ thứ,
còn có nhiều phiền não. Làm một việc gì bị thất bại vẫn buồn. Buồn là còn phiền
não! Còn phiền não tức là chưa ra khỏi chữ Động. Đôi khi chúng ta cũng có vài cảm
giác hình như qua khỏi cái Động, rơi vào cái Tịnh. Tịnh sơ sơ thôi mà vội vã
cho là chứng đắc sao?!… Còn Căn, Giác, Không, Tịch nữa đã bước qua chưa?... Quá
cao, quá cao phải không? Biết bao giờ mới đạt tới!...
Vì nghĩ quá đơn giản, nên có nhiều người đưa ra
vấn đề gọi là tu chứng, và tự cho mình đã chứng đắc quá dễ dàng. Thực sự đối với
những vị Bồ-Tát tái lai thì sự tu chứng không khó, nhưng đối với hàng phàm phu
của chúng ta nhất định đã có sự sơ suất!...
Ngài Ấn-Quang nói:
- Một người
không tha thiết vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì dẫu cho niệm Phật đến gió
thổi không qua, mưa rơi không lọt cũng không được vãng sanh.
Cảnh giới niệm Phật đến nỗi mà gió thổi không
qua mưa rơi không lọt, là ý nói đến người niệm Phật đạt đến chỗ “Niệm Bất Niệm”,
đến chỗ “Nhất Tâm Bất Loạn” đấy. Tâm nhiếp vào câu Phật hiệu đến nỗi không còn
gì khác chen vào được, vậy mà không tha thiết nguyện vãng sanh cũng không được
vãng sanh. Lời này Ngài nhắc nhở cho chúng ta biết rằng niệm Phật để cầu vãng
sanh chứ không phải cầu chứng đắc.
Ngài Ngẫu-Ích, tổ thứ 9 Tịnh-Độ Tông
Trung-Hoa, nói:
- Nếu tín
tâm không vững, nguyện vãng sanh không tha thiết, dẫu cho niệm Phật đến nhất
tâm bất loạn cũng không được vãng sanh. Tín-Nguyện đầy đủ được vãng sanh, niệm
Phật sâu hay cạn là để phẩm vị cao hay thấp.
Hiểu được đạo lý này mới hiểu niệm Phật chính
là để cầu vãng sanh, chứ không phải cầu nhất tâm bất loạn. Ngài nói:
- Người
có tín tâm vững vàng, tha thiết nguyện vãng sanh, dẫu cho loạn tâm niệm Phật,
tán tâm niệm Phật cũng được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Chư vị hãy lắng nghe những lời của chư tổ dạy,
mỗi người nói một cách, nhưng ý nghĩa tương đồng. Ngài Ngẫu-Ích nói rằng, người
nào tha thiết muốn vãng sanh về Tây-Phương, tin tưởng rằng A-Di-Đà Phật phát đại
thệ để cứu độ mình về Tây-Phương Cực-Lạc, rồi thành tâm niệm Phật, dẫu có tán
tâm niệm Phật, loạn tâm niệm Phật cũng được vãng sanh. Những hiện tượng loạn
tâm niệm Phật, tán tâm niệm Phật này đã ứng hiện rõ rệt ở những người bệnh sắp
chết được hộ niệm. Khi mình hộ niệm cho người ta, họ đau quằn quại trên giường,
vừa rên, vừa niệm… Tâm họ khó mà tịnh được, nhưng họ quyết lòng đi về
Tây-Phương, nên sau khi xả bỏ báo thân, họ để lại những hiện tượng vãng sanh bất
khả tư nghì. Bên cạnh đó những người tự xưng nào là chứng này chứng nọ, nhưng
sau cùng hầu hết không được như vậy!... Tình trạng này ngài Ấn-Quang cảm thương
mà nói rằng:
- Những
người ưa nói huyền nói diệu, đến cuối cùng thì tay chân giãy dụa, mặt mày hớt
hơ hớt hãi, miệng kêu cha réo mẹ, sau cùng nằm ngay đơ theo nghiệp thọ nạn.
Mong chư vị hiểu thấu được chỗ này, chúng ta mới
thấy đường đi của pháp môn Niệm-Phật thích hợp cho những người phàm phu như
chúng ta. Chúng ta phải đi cho vững thì chắc chắn được vãng sanh.
Khi đọc đến những lời của tổ Ấn-Quang, mình thấy
Ngài khai thị rõ lắm. Hôm nay Diệu-Âm xin đọc thêm một đoạn nữa cho chư vị thấy
rõ hơn lời dạy của Ngài. Ngài nói:
- Trong đời
kẻ chẳng hiểu lý, mới tu trì chút ít đã mong mỏi quá phận mình…
Nghĩa là ý Ngài nói, phận phàm phu không lo phận
phàm phu mà thành kính niệm Phật, lại cứ lo cầu chứng này, đắc nọ… đó là mong nỏi
quá phận mình đó.
- …Ví như
mài gương, nếu bụi dơ đã hết chắc chắn quang minh sẽ hiện ra chiếu trời soi đất...
Nghĩa là mình tu hành giống như mài gương, cái
gương mình mài nhẵn, sạch bụi rồi thì tự nhiên nó phản chiếu ánh sáng. (Ghi chú
rằng, trước đây không có gương bằng kiếng như ngày nay, người ta phải dùng miếng
đồng thau mài nhẵn để làm gương soi mặt).
- Nếu chẳng
tận lực mài gương, mà cứ mong gương tỏ sáng. Do bởi toàn thể đều nhơ bẩn, nên nếu
có phát quang thì ánh sáng ấy cũng là ánh sáng ma quái mà thôi!...
Nghe được
những lời Ngài nói, chư vị dễ hình dung ra vấn đề phải không? Ý Ngài nói là,
cái tâm mình còn quá loạn động, mà cứ cho mình là nhất tâm bất loạn, cho mình
là khai mở trí huệ, cho mình là chứng đắc rồi… thì có khác gì cái gương dơ bẩn
mà cứ muốn nó phát quang, dẫu có thực sự phát quang đi nữa, thì đó cũng chỉ là
ánh sáng của ma quái mà thôi! Chư vị nghe những lời của Tổ dạy, thì biết được
con đường nào đúng nhất cho mình đi vậy.
Chính vì thế, trong giai đoạn hết sức là khó
khăn này, gọi là giai đoạn mạt pháp, chúng ta phải biết y giáo phụng hành lời tổ
dạy, đừng nên tự mình vạch ra con đường sai lầm. Hiện giờ trên thế gian rất sôi
nổi về những chuyện thần kỳ, đặc dị. Nếu gặp phải, chư vị phải có định tâm vững
vàng, nhất định trì giữ câu A-Di-Đà Phật chí thành mà niệm, đừng hiếu kỳ mới an
ổn được.
Phật dạy rằng vạn sự vạn vật không có gì đắc được
cả, mà có người cứ khoe ra đắc này đắc nọ thì thật sự là một vấn đề lạ!... Ngài
Tịnh-Không nói, “Tu hành mà chư vị thấy một
cảnh giới gì hay hay vội đem khoe ra ngoài, thì định lực của chư vị đã tiêu hết
trơn rồi…”. Đây là lời những vị đại sư còn đang sống nói ra đó. Ngài nói: “Nếu tu hành mà chư vị thấy rằng mình đã chứng
đắc, thì ngày đó chư vị đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi!…”. Đây là lời của ngài Tịnh-Không
nói. Chư tổ nói lời chư Phật nói. Chư vị cao tăng chân tu nói lời như chư tổ
nói. Lời nói của các Ngài tương đồng như lời Phật, hoàn toàn không khác. Hiểu
được như vậy rồi, thì mong chư vị phải cố gắng quyết lòng thực thi các điều:
- Chuyên nhất niệm Phật mới dễ vãng sanh, đừng
nên tu quá xen tạp.
- Buông xả vạn duyên ra, niệm Phật mới dễ vãng
sanh.
- Đừng có chấp trước, đừng có vội vàng, đừng có
mong cầu cảm ứng gì cả, thành tâm niệm Phật mới dễ vãng sanh.
- Xin đừng vọng cầu chứng đắc, kiệt thành sám hối
mới dễ vãng sanh.
Biết mình lỗi lầm quá nhiều, ngày ngày ở đây mỗi
sáng mỗi chiều, Niệm Phật Đường này có đọc bài sám hối, tức là đọc bảng hồi hướng
ngang đó. Ngày nào chúng ta cũng niệm Phật sám hối. Mỗi lần mà chư vị đọc như vậy
phải thành tâm, phải tha thiết, tức là chúng ta đang sám hối. Sám hối từ bây giờ
cho tới ngày ra đi, thì chúng ta mới có cơ hội vãng sanh. Xin đừng tỏ ra khinh
mạn.
Đây là con đường dễ dàng nhất cho chúng ta được
vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
( Trích Hộ Niệm Chú Ý-06)
Copyright 2017 © Designed by Gowebbi. All rights reserved.
leave a comment