kodeforest

Nhờ thực hành pháp Niệm Phật -Hộ niệm mà chúng ta tận mắt chứng kiến hàng phàm phu, chỉ một câu A Di Đà Phật niệm cho tới cùng, lâm chung thiết tha cầu sanh Tây Phương Cực Lạc, đã ra đi để lại thân tướng bất khả tư nghì. Chúng con thật không thể nào diễn tả hết nỗi mừng rỡ, xúc động và lòng tri ân  Đức Thế Tôn và Chư Tổ đã ban một pháp ĐẠI CỨU TINH cho chúng sanh Thời Mạt Pháp

Chân thành tri ân chư vị khắp nơi đã đưa lên Youtube và internet và trên các Websites rất nhiều video, MP3, nhạc niệm Phật, các hình ảnh Phật, Bồ Tát, Tây Phương Tiếp Dẫn, các hoa sen.. rất đẹp. Nếu chúng tôi vô tình đã đưa lên trang Website các hình ảnh có bản quyền (Copyright) kính xin chư vị liên hệ chúng tôi và các hình ảnh của chư vị sẽ được xóa ngay tức khắc. Nam mô A Di Đà Phật.

Ngài Tĩnh-Am khi khuyên người niệm Phật, Ngài không ngồi như thế này để khuyên đâu, Ngài không đứng để khuyên đâu… mà chư vị biết là Ngài đã làm như thế nào không?...Ngài quỳ xuống... Ngài chắp tay lại... Ngài khẩn nguyện: Chư vị đồng tu Phật tử ơi!.. Vì việc sanh tử vô cùng lớn lao, mong chư vị hãy Phát Bồ-Đề tâm, trì danh hiệu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Quý vị thấy một vị Tổ Sư mà phải quỳ xuống, khẩn khoản cầu xin chư vị Phật tử hãy mau mau niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Chư vị có hiểu thấu được tâm can của Tổ Sư không?...(Sơ Suất Của Người Bệnh)

Tổ Thiện-Đạo nói: “Dẫu cho chư Phật trên mười phương, chư đại Bồ-Tát phóng đại quang minh bao trùm vũ trụ, mà bảo ta bỏ câu A-Di-Đà Phật, ta nhất định không bỏ”. 

04. Điểm thứ hai của Chữ TÍN là Tin Lý-Tín Sự.

Tin Lý có nghĩa là tin rằng Chơn-Tâm Tự-Tánh của mình là Phật, có nghĩa là chính ta vốn là Phật. Trong kinh luận có câu: “Tự-Tánh Di-Đà Duy Tâm Tịnh Độ” là nói về Lý này.

Tự Tánh chúng ta vốn là một vị A-Di-Đà Phật. A-Di-Đà Phật và Chơn Tâm Tự Tánh của chính ta thật sự không hai, không khác. Cho nên niệm A-Di-Đà Phật là chúng ta niệm thẳng vào Chơn-Tâm Tự-Tánh của chính mình. Dần dần Chơn-Tâm Tự-Tánh ta hiển lộ ra thì chúng ta thành Phật. Niệm Phật thành Phật cũng là thành cái Tự-Tánh của  mình chứ không có gì khác cả.

Như vậy mình hiểu được rằng khi trở về với Tự-Tánh thì mình thành một vị A-Di-Đà Phật. Thành một vị A-Di-Đà Phật rồi thì ở bất cứ nơi nào cũng là cõi Tịnh-Độ cả. Cõi Tịnh-Độ ngay tại tâm này.

Lý thuyết là như vậy, nhưng đáng tiếc là chúng ta đang ở trong cõi ngũ trược ác thế, cõi Ta-Bà không có duyên thuận lợi, không giúp được cho Chơn-Tâm Tự-Tánh khai mở dễ dàng. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải mau mau trở về cõi Tịnh-Độ. Tin có cõi Tịnh-Độ ở Tây-Phương, tha thiết muốn trở về cõi Tịnh-Độ chính là Tin Sự.

Có người nghe đến lý đạo Tự Tánh Di Đà Duy Tâm Tịnh Độ, liền vội vã cho cõi Ta-bà này là Tịnh-Độ. Không phải đâu, không phải đâu!… Sơ ý đã lẫn lộn giữa Lý và Sự rồi!... Cõi này chiến tranh nhiều quá!... Chém giết nhau nhiều quá!... Đấu tranh với nhau nhiều quá!… Thế giới bất an nhiều quá… Giải quyết chuyện này chưa xong, thì có chuyện khác xảy ra rồi. Thế giới tiếp tục loạn động, không thể là nơi thanh tịnh được. Vì thế, cõi này Phật nói là cõi ác năm trược, là nơi ác hiểm ô trược không giúp cho Chơn-Tâm Tự-Tánh cúa chúng ta ứng hiện được. Chỉ khi chúng ta vãng sanh về cõi nước của A-Di-Đà Phật rồi thì ta thực sự ở cõi Tịnh-Độ. Cõi Tây-Phương Tịnh-Độ là một quốc thổ có thực.

Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. (Những gì có danh có tướng đều là hư vọng, không thực). Nhiều người nghe vậy thì cho rằng cõi Tây-Phương Tịnh-Độ cũng có danh có tướng, thì đó cũng chỉ là hư vọng, không thực. Lý luận như vậy là sai rồi, sai rồi!... Sơ ý đã lẫn lộn giữa Vô-Thường và Chơn-Thường rồi!... Cũng chẳng khác gì khi nghe Phật nói “Vạn pháp giai không”, thì cho rằng tất cả mọi thứ đều không có. Không phải đâu. Đừng nên chấp Lý bỏ Sự mà sai lầm. Có ai dám nói rằng, tất cả mọi vật, mọi dụng cụ chung quanh chúng ta là không có gì cả không? Có đấy chứ. Thật ra chúng ta vẫn có cái đạo tràng này để niệm Phật, vẫn có cái máy hình này để quay phim, vẫn có cái bức tường ngăn cách trong ngoài mà chúng ta không thể xuyên qua được, có cái nhà cho chúng ta ở, có vật dụng cho chúng ta dùng, v.v... Tất cả vẫn có đấy. Đạo lý“Vạn pháp giai không” là Phật nói đến cái lý biến dịch vô thường của vạn sự vạn vật trong cõi này mà thôi. Xin chớ lầm lẫn giữa Lý và Sự.

Vậy thì ở cõi Tây-Phương cũng có một quốc độ Cực-Lạc của A-Di-Đà Phật lập ra cho chúng sanh về đó an dưỡng, nhưng hoàn cảnh của cõi nước đó quá thù thắng, không cõi nào có thể sánh bằng, chúng ta ở đây chỉ nghe Phật nói đến mà hâm mộ, tán thán, chứ không cách nào có thể diễn tả được. Hiểu được như vậy, xin chư vị hãy phát tâm tha thiết, mạnh mẽ, quyết lòng cầu vãng sanh về Tây-Phương. Sanh về cõi nước đó, chúng ta ở chung với chư Thượng-Thiện Nhơn, toàn là bậc đại Bồ-Tát đã ứng hiện Chơn-Tâm Tự-Tánh. Chư vị về đó cũng sẽ được ứng hiện Chơn-Tâm Tự-Tánh, chư vị sẽ thành Phật. Chính vì thế, đức Bổn-Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật dạy, người nào vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì người đó thành Phật. Vãng sanh tức là thành Phật.

Hôm qua chúng ta nói đừng nên đi theo con đường tu chứng từng bậc từng bậc. Từ phàm phu này phá Kiến-Hoặc để chứng Tu-Đà-Hoàn, phá Tư-Hoặc để chứng Tư-Đà-Hàm, rồi chứng lên A-Na-Hàm, A-La-Hán… cứ tiến lên lần lần… Ôi!... Khó lắm!... Khó lắm!... Tu đời đời kiếp kiếp nhiều khi chúng ta cũng không chứng được. Tu đường này khó quá!...

Tu hành cũng đừng nên sơ ý cho rằng thế giới này là nhất, thân mạng này là tất cả. Người coi cuộc đời này là nhất, thì dù có làm thiện làm lành lớn tới đâu cũng khó có phần giải thoát. Không biết đường giải thoát nên khi bệnh xuống thì sợ bệnh, lâm chung tới thì sợ chết. Cũng là người tu đó, nhưng đem cái Tâm Phật cao quý chăm chú lo cho cái thân phàm bất tịnh vô thường, vô tình cái thân thịt hư hại này trở thành vật chướng ngại, ngăn cản con đường giải thoát tâm linh!...

Tham tiền, tham bạc!... Vì chú tâm vào tiền bạc nên đem cái Tâm Niệm Phật này vùi dập vào lòng tham, vô tình niệm Phật mà đi vào hàng Ngạ-Quỷ. Đường về Tây-Phương bị tắt nghẽn rồi.

Hiểu được như vậy rồi, xin chư vị một khi đã biết niệm Phật rồi thì hãy cố gắng mạnh dạn buông thế gian ra. Tập buông xả cho nhiều, đừng nên sơ ý nữa. Đừng bao giờ nghĩ rằng đến lúc bệnh xuống rồi mới buông. Đừng bao giờ nghĩ rằng đợi lúc sắp chết rồi mới buông. Không dễ dàng như vậy đâu. Không lo tính trước, không buông xuống được!...

Khi đi hộ niệm, chúng ta thường khuyên người bệnh buông xả. Một người muốn vãng sanh bắt buộc phải buông xả thế duyên. Dù bình thường anh ít tu, nhưng chỉ cần trước những giờ phút ra đi anh phải buông cho được, ví dụ không sợ chết này, không quyến luyến gia đình này, không lo âu gì nữa này, chỉ một lòng niệm Phật cầu vãng sanh, thì với cái Nhân niệm Phật này, anh đã đặt Duyên trên cõi Tây-Phương, anh sẽ trở về Tây-Phương hưởng Quả thành đạo.

Cho nên, tập hạnh buông xả là điều rất quan trọng. Nếu chấp theo thế gian, thì bây giờ dù anh có niệm Phật là Nhân, nhưng Duyên của anh cứ gieo trong luân hồi thì anh đành phải ở trong sáu đường chịu đọa lạc. Cũng giống như có hạt bắp là Nhân, mà không chịu gieo nó xuống đất là Duyên tốt, lại gieo vào trong lò lửa, gieo ngay vào chảo nước sôi… thì thôi thua rồi!... Vậy nên chúng ta hãy cố gắng lên, mạnh mẽ lên, hãy tha thiết nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, đây chính là chúng ta đem cái Chơn-Tâm Tự-Tánh của mình gieo trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc, để chúng ta về đó mà thành đạo...(Hộ Niệm Chú Ý 05)




leave a comment

Copyright 2017 © Designed by Gowebbi. All rights reserved.