Bồ-Tát Đại-Thế-Chí
dạy: "Đô
nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế", đó
là cách hành trì của pháp môn Niệm-Phật. Ngài khuyên: "Hãy nhiếp sáu căn lại,
thanh tịnh niệm câu A-Di-Đà Phật liên tục, không cần đến một pháp phương tiện
nào khác, tự tâm chúng ta sẽ khai mở, thành đạo".
Tất cả
các pháp môn đều bắt đầu từ sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà xây dựng
nên. Nói đến vấn đề chứng đắc, ngài Tịnh-Không nói, mỗi
một căn muốn chứng đắc phải trải qua 6 cảnh, đó là:
- Phải
phá Động tiến vào Tịnh.
- Phá Tịnh tiến vào Căn.
- Phá Căn tiến đến Giác.
- Phá Giác tiến đến Không.
- Phá
cho được Không đi vào chữ Tịch.
Thì
lúc đó mới thực sự là chứng đắc. Con đường này quá khó, quá khó!... Nhất là đối
với hàng phàm phu tục tử như chúng ta!...
Trong kinh Đại-Tập, đức Thế-Tôn nói: "Thời mạt pháp này, ức triệu người tu hành khó tìm ra được một người chứng đắc".
Các vị bên Mỹ qua đây có đem
theo một tâm sự lo âu về những chuyện một số người chủ trương tu hành chứng đắc
"Nhất
tâm bất loạn" để
vãng sanh, chứ không cần đến hộ niệm. Và có những người bảo rằng họ đã được chứng
đắc quá nhanh chóng, niệm Phật 1 tuần, 2 tuần, đôi khi chỉ cần niệm Phật vài
ngày cũng có thể chứng đắc rồi. Đây là một hiện tượng khá lạ lùng trong thời
này!...
Diệu-Âm
xin nêu lên vài ý kiến hầu đáp ứng về nghi vấn này, coi như tạm trả lời để cho
các vị về Mỹ ít ra cũng có một chút ít an tâm.
Tình
thực, trong thời mạt pháp này tâm cơ chúng sanh yếu lắm. Chư vị đừng nên nghĩ rằng
sống trong xã hội có nền khoa học kỹ thuật công nghệ cao thì trí huệ con người
cũng cao. Không phải vậy đâu.
- Vật
chất càng cao, tinh thần càng giảm.
- Khoa
học càng phát triển, tâm linh càng yếu đuối.
Trong
thời này tìm gặp một người tin tưởng vào lời Phật dạy, tin tưởng vào chuyện giải
thoát tâm linh rất khó, rất khó. Con người ngày nay đang sống trong nền khoa học
kỹ thuật cao, thành ra họ ít tin tưởng vào Phật pháp là chuyện rất bình thường.
Đức tin thật sự quá khó khăn đối với họ. Trong kinh Phật dạy, những người có kiến
thức thế gian cao rất khó tu hành, họ chỉ thích chạy theo những lý luận vô thường
để chờ hưởng lấy cảnh giới vô thường mà thôi!...
Bây giờ
trở lại vấn đề 6 bước cần phải vượt qua để chứng đắc, thì với hàng phàm phu như
chúng ta, cùng với đa số con người trong thời mạt pháp này, dù cho tu hành có
cao lắm đi nữa thì cảnh giới của họ cũng thường chờn vờn chờn vờn giữa chữ “Động” và chữ “Tịnh” mà thôi,
chưa qua khỏi hẳn cửa ải của chữ “Động” đâu.
Hòa
thượng Tịnh-Không nói, tu hành phá được cửa “Động”, mà còn vướng vào cửa “Tịnh”, thì cảnh giới gọi là chứng đắc vẫn còn xa vời vợi. Ở đây Diệu-Âm
có đem theo quyển sách “Ấn-Quang đại sư
gia ngôn lục”, xin đọc vài đoạn để chúng ta thấy rõ ràng hơn. Ấn-Quang đại
sư có đoạn Ngài dạy như thế này:
- Sở dĩ những người tu hành gần đây, (tức
là thời đại của chúng ta), nhiều kẻ bị ma
dựa, nguyên nhân đều là do tâm vọng động gấp rút mong được cảnh giới thù thắng…
Tức là
Ngài nói trong thời đại chúng ta hiện nay, có rất nhiều người bị ma dựa đều do
bởi sự gấp rút muốn có được cảnh giới thù thắng. Gấp rút mong được cảnh giới
thù thắng tức là cầu mong chứng đắc. Lời này là chính của ngài Ấn-Quang nói. Lời
Ngài nói rõ lắm. Nếu người nào đọc kỹ những lời khai thị của đại sư Ấn-Quang
thì chắc chắn sẽ có sự đề cao cảnh giác, cẩn thận vô cùng. Ngài nói:
- Nếu cả
một đời cứ hoan hỷ tham trước cảnh giới, dù cảnh giới chơn thực có hiện ra đi nữa
vẫn sẽ bị tổn hại chứ chẳng được ích lợi gì, hà huống đó chưa đích thực là cảnh
giới thù thắng…
“Hoan hỷ tham trước cảnh giới…” là
Ngài chỉ cho những người ham mê chứng đắc. Ham mê chứng đắc thường bị tổn hại!...
Dù cảnh giới thù thắng hiện ra vẫn bị tổn hại như thường, huống chi chưa chắc
đó là những cảnh giới thực sự thù thắng.
- Nếu một người có hàm dưỡng, tâm chẳng vọng động,
gấp rút, không tham đắm, thấy các cảnh giới cũng như chẳng thấy, chẳng sanh tâm
hoan hỷ đắm trước, cũng lại chẳng sanh tâm hoảng hốt kinh nghi, thì đừng nói
chi là cảnh giới thù thắng hiện ra bèn được lợi, dù cho cảnh ma hiện ra vẫn hưởng
lợi ích như thường. Vì sao vậy? Vì chẳng bị ma chuyển nên có thể thẳng tiến.
Chư vị
hãy lắng nghe những lời của tổ sư nói. Ngài nói nếu mà cái tâm không hoan hỷ,
không tham trước những cảnh giới đó thì không những là cảnh giới thù thắng hiện
ra, mà cảnh giới ma hiện ra cũng vẫn được ích lợi như thường.
Cái khổ
của con người trong thời này là khi tu hành hễ vừa thấy một cái gọi là hay hay,
tốt tốt hiện ra, thì tham chấp vào đó liền. Ngài nói, một người mà không có cái
tâm hàm dưỡng thì dù cảnh giới thù thắng hiện ra vẫn ngay lập tức chuyển thành
ma sự. Còn một người có huân tu, giữ tâm khiêm hạ, dù có ma cảnh hiện ra đi nữa
vẫn có thể làm tăng thượng duyên cho sự tu hành. Xin chư vị hãy ghi lòng tạc dạ
những lời dạy này của ngài Ấn-Quang đại sư. Nên nhớ rằng: Ngài là Đại-Thế-Chí Bồ-Tát
tái lai, thị hiện trong đời này để nhắc nhở cho chúng ta tu hành đúng pháp đó. Lời
tổ và lời Phật nói có ý nghĩa tương đồng, không sai lệch đâu.
Thời
này vàng thau lẫn lộn!... Tâm cơ của chúng ta lại yếu đuối vô cùng!... Dù một
người tu hành có mạnh mẽ như thế nào đi nữa, thì cũng chỉ bắt đầu phá được cái
Động, và bắt đầu vào được chữ Tịnh mà thôi. Nhưng xin thưa thực rằng, cái Tịnh
này cũng chẳng qua là “Giả Tịnh” mà thôi chứ chưa hẳn thực sự là Tịnh đâu. Tại
sao vậy? Tại vì người đó còn chấp trước, còn phân biệt, đôi khi vẫn còn có phiền
não. Còn phiền não tức là họ quay trở lại từ đầu, chưa vượt qua được cái cảnh
giới động loạn của tâm trí.
Chư vị
tin không? Nếu có dịp gặp người phản đối hay chọc tức họ, họ liền nổi cơn sân
giận... Giận là động. Làm một chuyện gì bị thất bại, họ buồn!... Buồn là phiền
não. Còn phiền não là chưa qua khỏi cảnh giới động, một cảnh giới thấp nhất của
phàm phu mà chưa vượt qua được, thì vội gì mà tự xưng là chứng đắc!... Một người
nếu không có tâm hàm dưỡng, hay nói đơn giản hơn là không có tâm hồn khiêm
cung, thì vừa mới thấy tịnh tịnh một chút, an lạc một chút đã vội vã phóng tâm
mơ mộng. Đúng là vọng tưởng!...
Thường
thường người ta hay nói, tu hành cho thanh tịnh, an lạc, đôi lúc cũng có những
phút thanh tịnh, an lạc đó. Nhưng thường thường đó chẳng qua là một vài cảm xúc
lắng đọng đột xuất ngắn ngủi nào đó, xen kẽ trong khoảng thời gian dài vằng vặc
cả một đời người loạn động mà thôi. Tu hành mà chỉ vừa đạt một chút xíu thành tựu
ngắn tạm vậy thôi, mà đã vội vã cho là chứng đắc... thì ngài Ấn-Quang ví dụ,
cũng giống như một bầu trời mây mù đang che phủ, bỗng loé ra một lỗ hổng xanh
xanh, vộ vã chấp vào đó cho là cả bầu trời sẽ trong xanh, không ngờ chẳng bao
lâu sau mây mù đã phủ kín lại rồi. Lời này là Ngài dặn chúng ta trong thời mạt
pháp này, muốn thành tựu đạo quả, hãy mau mau tập tính khiêm nhường, nhẫn nại mới
được.
Chư vị
có thể nghe qua nghe cuộc toạ đàm “Hành
Theo Ấn Tổ” với 48 đêm tọa đàm về khai thị ngắn ngủi của Ngài, Diệu-Âm nhắc đi
nhắc lại rất rõ ý chỉ của tổ sư. Nhất định chúng ta phải có tâm khiêm nhường. Nếu
tu hành đúng như vậy, dẫu cho một người phàm phu tội lỗi, trí huệ thấp kém cho
mấy, theo như Ngài dạy: biết khiêm nhường, không nói lỗi người, cứ lo việc nhà
của mình, không xen vào việc nhà người, dù có công phu từ sáng đến chiều, từ
chiều tới sáng niệm Phật liên tục, miên mật… vẫn phải thấy rằng mình còn nông cạn.
Cứ giữ phận phàm phu đó mà tự sám hối, chí thành niệm câu A-Di-Đà Phật cầu vãng
sanh, thì người nào cũng được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Như vậy
theo như lời Ngài, mình thấy rõ rệt rằng, chúng ta ở đây có đầy đủ khả năng
vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Trở về
vấn đề hộ-niệm, trong bảng này nói:
- Thành kính niệm Phật mới dễ vãng sanh,
xin đừng vọng cầu chứng đắc.
Đây là
tổng quát lời dạy của tổ Ấn-Quang. Thành kính niệm Phật, chí thành niệm Phật ai
cũng được vãng sanh. Một người tự xưng mình chứng đắc, thì Ấn tổ phê trách rằng:
“Người đời nay vì ham mê chứng đắc, vì sự
ham mê chứng đắc quá mạnh, nên động đến oan-gia trái-chủ trong lịch đại kiếp số
hợp lại mà tạo cái cảnh giới chứng đắc đó cho mình hưởng. Nếu tâm trạng này hóa
gỡ ra không được, thì đến một lúc nào đó dẫu chư Phật mười phương xuống gỡ cũng
không được”.
- Hiền hậu niệm Phật mới dễ vãng sanh, xin giữ hạnh khiêm cung từ ái.
- Buông xả niệm Phật mới dễ vãng sanh, xin đừng
chấp trước phan duyên.
Hộ niệm
cho người vãng sanh mình cũng không được quyền phan duyên. Phan duyên sanh ra
phiền não. Bị phiền não thì công đức ở đâu chưa thấy, mà chính mình đã vướng phải
nghiệp, bị lỗ lớn quá rồi. Mong chư vị hiểu rằng, cứu người luôn luôn phải tùy
duyên chứ không được phan duyên.
- Chuyên nhất niệm Phật mới dễ vãng sanh, xin
đừng tu hành tạp nhạp.
Đây là
lời nhắc nhở thường xuyên và rất mạnh của ngài Tịnh-Không. Ngài nói rằng phải chuyên… chuyên… chuyên nhất một câu
A-Di-Đà Phật mà niệm thì mới dễ vãng sanh, còn theo đường tạp tu thì rất khó
vãng sanh!... Rất khó vãng sanh!... Nếu thực sự chúng ta muốn vãng sanh Tịnh-Độ
trong một đời này, thì phải nghe lời tổ. Chư tổ đều nói tương tự nhau, không có
gì sai khác cả.
- Định tâm vào câu Phật hiệu mới dễ vãng
sanh, xin đừng ham mê kiến giải.
Trong
những ngày tới sẽ mổ xẻ chi tiết hơn, xin đưa nhiều lời tổ dạy, cũng như trong
kinh Phật nói để nhắc nhở lẫn nhau.
- Kiệt thành sám hối niệm Phật mới dễ vãng
sanh, xin đừng khinh mạn.
Nếu
chư vị nghe lại cuộc toạ đàm 48 đêm “Khế Lý Khế Cơ”, Diệu-Âm có nhắc đến rất
nhiều điểm này. Một người tu hành không dễ gì ma chướng ám hại được, nhưng chỉ
cần khởi lên một tâm ngạo mạn thì liền bị chướng nạn trùng trùng. Một ý niệm
khinh mạn nổi lên thì bị ma chướng ám hại liền. Đây là sự thực. Mong chư vị cố
gắng giữ cho được cái tâm khiêm cung mà niệm Phật.
- Thấy mình còn là phàm phu, sợ đọa địa ngục mà lo niệm Phật mới dễ vãng sanh, xin đừng tự cho mình là hàng thượng căn thượng trí.
Tất cả
những lời nói này là Diệu-Âm tổng kết lại những lời tổ dạy thôi.
Mong chư vị lấy hạnh khiêm cung
quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-độ. ( Trích Hộ Niệm Chú Ý 12)
Copyright 2017 © Designed by Gowebbi. All rights reserved.
leave a comment