Nếu người đó có đọc
qua những lời khai thị của ngài Ấn-Quang thì chắc cũng nên cẩn thận xét lại vấn
đề: “Khi gặp cảnh giới thù thắng hiện ra thì
đừng mừng, đừng sợ, đừng tham chấp vào đó, có vậy mới được an toàn, không bị cảnh
giới chuyển…”. Ngài cũng thường nói rằng, thế gian thời này có nhiều người
ưa tham chấp chuyện hão huyền thành ra dễ vướng phải lưới ma...
Có một
người tới khoe với Ngài rằng, đang niệm Phật thì thấy Bồ-Tát Quán-Thế-Âm ứng hiện ra.
Ngài nói:
- Ảnh tượng của Đại-Sĩ mà ông thấy lúc lễ Phật đó không đích xác lắm đâu!
Chư vị nghe những
chuyện này mà tự suy nghiệm lấy nhé. Một người niệm Phật thấy đức Quán-Thế-Âm
hiện ra rõ rệt, nhưng Ngài lại khẳng định rằng ảnh tượng Đại-Sĩ Quán-Thế-Âm hiện
ra là không đúng. Tại sao vậy? Chúng ta hãy đọc thêm một đoạn nữa để hiểu rõ tình
tiết:
- Nếu đích thực là Bồ-Tát Quán-Thế-Âm hiện thân ra,
thì chẳng thể vì ông nghĩ rằng hình tượng đó sao lại không hợp với Quán-Kinh mà
Ngài phải liền biến mất đi…
Thì ra người này đang
thực tập các pháp quán trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ. Trong kinh này Phật đưa ra
16 pháp quán, hầu hết dành cho hàng Đại Bồ-Tát, Đẳng-Giác Bồ-Tát thực hành. Một
người chưa xét thấu căn tánh của mình, vội lấy đó mà quán thì dễ gì thành tựu
được. Tâm chẳng thuần thì quán cảnh chẳng thông. Cảnh chẳng thông nên thường gặp
cảnh vọng. Ngài nói tiếp:
- Nhưng vì điều đó mà tín tâm của ông khẩn thiết thì
cũng là một nhân duyên tốt. Nhưng (về sau) chẳng được cầu mong thường thấy Bồ-Tát
nữa nhé…
Đây là lời vừa khuyến
tấn tu hành, nhưng cũng vừa là lời nghiêm khắc cảnh cáo. Nghe Ngài nói, chắc chư
vị cũng có thể hiểu ra vấn đề phải không?... Người thấy được như vậy mới phát
tâm tin tưởng mạnh mẽ, đây là điều tốt. Nhưng một khi tham chấp vào đó, đi khoe
ra ngoài rằng mình đã được cảm ứng hay chứng đắc gì đó, thì lại sanh ra vấn đề
khác rồi!...
Phật dạy "Liễu bất khả đắc", rốt cuộc
có được gì đâu. Lão-Tử nói: "Đạo khả
đạo phi thường đạo", cái đạo mà còn thấy được, còn nghe được, còn tưởng
được, còn giảng ra được thì không phải là đạo chơn thường nữa rồi! Lão-Tử chưa từng
học Phật, mà Ngài đã ngộ tới đạo lý rất cao của Phật pháp, còn chúng ta học Phật
mà không chịu ngộ ra một chút để đành phải bị lầm lạc sao?
Vị nầy còn khai báo rằng
trước lúc ngủ thấy quang minh sáng lòa... Ngài trả lời:
- Lúc ngủ ông thấy ánh sáng trước mặt, và khi lễ Phật thấy tượng Phật đứng
trên hư không, tuy là thắng cảnh, nhưng đừng vội tham đắm vào đó…
Hiểu được ý nghĩa
thâm sâu chứa bên trong lời khuyến cáo, chúng ta mới biết cẩn thận áp dụng cho đúng
pháp, đừng nên sơ ý. Ngài nhìn qua đã biết tâm những vị này chưa tịnh, còn vướng
mắc nhiều điều... Người tu hành, khi tâm được tịnh có thể cảm ứng đến cảnh tịnh.
Nhưng lúc tâm vọng thì cảnh tịnh trước liền biến chuyển thành cảnh vọng rồi.
Chính vì vậy, chúng ta niệm Phật cần có cái tâm thành kính, nương theo đại nguyện
của đức A-Di-Đà để được tiếp độ về Tây-Phương Cực-Lạc, nơi đó không thể nào vọng
động được. Còn ở đây thì sao chư vị biết không? Phật nói, thế giới này là cái
thế giới ngũ trược, ác thế. Một cái tâm phàm phu sống trong một môi trường ô
trược ác thế, không dễ gì được an nhiên hưởng cảnh thanh tịnh đâu!...
Trong Năm trược:
-Kiếp-Trược, đời này ô
trược lắm.
-Kiến-Trược, kiến đại
diện cho kiến, văn, giác, tri. Kiến là thấy, thấy cảnh giới thù thắng đó, nhưng
không thể phân biệt được là đúng hay sai.
Văn là nghe, nghe âm
thanh tưởng là thực, mà coi chừng bị giả.
Giác là hiểu, tưởng
mình hiểu thấu suốt, nhưng coi chừng hiểu lầm.
Tri là biết, điều
mình biết tưởng là đúng, nhưng đâu ngờ nhiều khi lại sai.
Vì biết sai, hiểu
sai, thấy sai, nghe sai nên cứ tiếp tục chìm đắm trong cảnh sai lầm đó. Ấn tổ gọi
tình trạng này là bị vướng vào lưới ma. Phàm phu thì phiền não ẩn sẵn trong tâm
này, chứ không đâu xa cả, chỉ cần khởi một chút phiền não, thì ma chướng nương
theo đó khởi lên. Như vậy ma chướng là
gì?
- Cao ngạo là ma chướng!…
- Tham lam là ma chướng!...
- Sân khuể là ma chướng!...
- Ngu si là ma chướng!...
- Tự thấy mình chứng đắc
là ma chướng!...
- Hiếu kỳ là ma chướng!...
Vướng phải những phiền
não này thì ma chướng ứng hiện. Ma chướng ứng hiện, thì cảnh giới trước mắt chỉ
là sự hão huyền không thực. Phật dạy: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng". Rõ ràng, Ma-Phật, Phật-Ma ở ngay tại tâm mình chứ
không phải ở đâu xa.
Chúng ta niệm Phật, đem đúng pháp niệm Phật này hộ niệm giúp cho người bệnh vãng sanh. Khi người bệnh thấy những cảnh giới gì khác, mình phải nhắc nhở đó chỉ là giã huyễn, hãy định tâm lại nhìn ảnh tượng A-Di-Đà Phật do ban hộ niệm treo trước mặt để niệm Phật. Hãy dặn người bệnh chỉ đi theo A-Di-Đà Phật. Chí thành thì cảm ứng. A-Di-Đà Phật sẽ ứng hóa theo tâm nguyện của mình mà tiếp độ về Tây-Phương Cực-Lạc. Khi A-Di-Đà Phật hiện ra giống như hình tượng đó thì hãy theo Ngài mà đi vãng sanh. Đây là quy luật an toàn cho người thành tâm niệm Phật vãng sanh không bị lạc. Nói rõ hơn, khi định tâm niệm A-Di-Đà Phật thì tự tánh A-Di-Đà Phật của chính ta ứng hiện ra. A-Di-Đà Phật là Phật đã thành, Ngài phát thệ sẽ ứng hóa tiếp dẫn tự tánh A-Di-Đà Phật của chúng ta về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật…
Nếu người bệnh đó thấy ông bà, người thân quá cố hiện ra thì mình nhắc nhở người bệnh rằng, đó là cảnh hảo huyền không thực, không phải là ông bà, người thân thực của mình đâu. Hãy dặn dò họ: Cứ mặc kệ đi, đừng sợ, đừng lo, đừng mừng, đừng theo... Cứ nhiếp tâm niệm câu A-Di-Đà Phật, thì tự nhiên an toàn.
Một người mà thường thấy Phật hiện ra, thường thấy Bồ-Tát hiện ra, thường thấy quang minh hiện ra, nếu tham chấp vào đó sẽ rất dễ vướng phải lưới ma. Người biết pháp hộ niệm thì biết nhắc nhở câu này: Cứ mặc kệ đi, đừng sợ, đừng vui, đừng mừng, đừng tham chấp vào đó… Hãy nhiếp tâm lại niệm câu A-Di-Đà Phật là được.
Ấn tổ dạy rằng, tu hành dù thấy bất cứ một thắng cảnh nào ứng hiện ra cũng đừng vui, đừng mừng, đừng tham chấp vào đó. Nếu như không tham chấp vào đó thì không bị vướng ma cảnh. Tại vì sao? Tại vì không bị cảnh giới chuyển. Không bị cảnh giới chuyển thì đồng nghĩa với không bị ma chuyển. Không bị ngoại cảnh chuyển thì tâm mới được thanh tịnh. Ngài nói, “Biết huân tu thì có thắng cảnh hiện ra chúng ta cũng có lợi, mà dẫu cho ma cảnh hiện ra cũng được lợi luôn…”, vì ta không sợ, không buồn, không mừng… nghĩa là tâm ta không động. Tâm không động thì ma không thể chuyển, ta cứ an nhiên tự tại niệm Phật đi thẳng về Tây-Phương thành đạo.
Chư vị chí thành chí kính niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cưc Lạc thì được Phật A-Di-Đà gia trì, được 25 vị Bồ-Tát và chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ. Người có tâm hiền lành, chí thành chí kính không tự khoe mình chứng đắc thì các Ngài mới bảo vệ, mới được an toàn, không chướng ngại cho đến ngày vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc
Mổ xẻ những chuyện này ra, mình mới thấy pháp hộ niệm mới nhìn qua thì hình như quá bình thường, nhưng thực sự đã ứng dụng một đại pháp nhiệm mầu, thực sự quá vi diệu, cứu độ được đến cả hàng phàm phu nghiệp nặng vãng sanh thành đạo. Nếu rời pháp này ra, hàng hạ căn phàm phu như chúng ta tìm đâu ra cơ hội được độ thoát…(Trích Hộ Niệm Chú Ý 17-19)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Copyright 2017 © Designed by Gowebbi. All rights reserved.
leave a comment