Khi đi hộ niệm nếu người bệnh thấy Phật, Bồ-Tát, thấy những cảnh giới thù thắng hiện ra, hoặc thấy ông, bà, cha, mẹ, người thân, hoặc thấy những cảnh tượng hãi kinh… Hãy khuyên họ cứ an nhiên tự tại, đừng để ý tới, cứ lo niệm Phật thì tất cả đều được giải tỏa. Cứ định tâm niệm Phật và chỉ đi theo A Di Đà Phật giống như bức hình trong phòng hộ niệm không theo ai khác... thì được an toàn vãng sanh.
Khi nói với người bệnh như vậy, thì mình phải tự nhắc nhở cho chính mình rằng, tu hành cần phải khiêm cung, biết sám hối, thấy mình còn phàm phu, tội chướng còn nặng nề, lấy cái tâm chí thành chí kính để tu thì đường tu được thuận lợi, không bị trở ngại.
Thời Mạt pháp tà phái ngoại đạo thịnh hành, chướng nạn cạm bẫy giăng giăng. Người tu hành chỉ cần khởi tâm hiếu kỳ thì ngay lập tức bị vướng bẫy. Khổ nỗi lạc đường rồi mà lại cho rằng mình giỏi, ưa nói những lý đạo thượng thiên, khởi tâm khinh mạn chấp trước, coi thường những người hiền lành chất phác niệm Phật. Người kiêu kỳ thường coi nhẹ pháp hộ niệm. Người không biết đạo vãng sanh, nên khinh thường những người ít tu đang ngồi niệm Phật hộ niệm bên người bệnh. Xin thưa với chư vị, chê bai pháp hộ niệm là tự mình làm khó cho chính mình trước giờ phút lâm chung vậy!...
Thượng mạn là đại sơ suất của người tu
hành.
Đức Thế-Tôn quán thấy thực chất căn cơ của chúng sanh trong thời mạt pháp này quá yếu, nghiệp chướng quá nặng. Chúng ta đã sinh ra trong thời mạt pháp này thì phải biết nghiệp chướng của mỗi người to như núi Tu-Di, nên dù cả một đời tu hành, tu 100 năm tinh tấn đi nữa, thì tu trong thế giới ngũ trược ác thế này, công đức phước báu tạo ra không thể nào địch lại khối nghiệp chướng đã tích tụ từ vô lượng kiếp tới bây giờ đâu.
Chính vì thế, chắc chắn là một ngày nào đó chúng ta sẽ đối diện với “Bệnh Khổ”, rồi từ bệnh khổ đó ta sẽ đi tới “Tử Khổ”. Trong cơn bệnh khổ này, nếu biết nương dựa vào nhau, biết giúp đỡ lẫn nhau, biết hướng dẫn nhau đi đúng pháp, chúng ta có thể vượt qua ách nạn của “Tử Khổ” mà vãng sanh về miền Cực-Lạc. Tất cả khởi đi bằng lòng chí thành chí kính niệm câu A-Di-Đà Phật vậy. Nếu sơ ý, cứ tưởng rằng mấy chục năm tu hành ở đây là ngon lành, thì xin thưa với chư vị, theo như lời của ngài Ấn-Quang nói: “Bắt đầu từ đó tâm chí của mình đã bị thối chuyển xuống”. Ngài Tịnh-Không nói: “Tu hành mà tự thấy mình đã chứng đắc, thì lúc đó đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi”.
Đi lên là “Nhập Thánh”, đi xuống là “Nhập Ma”. Nghĩ mình chứng đắc thường vướng phải tâm thượng mạn. Thượng mạn nổi lên kéo cái tâm mình đi xuống. Tâm đi xuống thì nghiệp chướng bùng lên. Trong vô lượng kiếp chúng ta đã có tu hành rồi mà đến giờ phút này vẫn còn ngồi đây niệm Phật, có lẽ tại vì trong những đời kiếp trước chúng ta đã sơ ý phạm phải lỗi lầm này chăng?...
Tu thì tạo phước nhưng ngạo mạn thì phiền não nghiệp chướng bùng lên. Nghiệp chướng bùng lên thì nó dìm phước đức xuống... Còn trầm luân trong sanh tử luân hồi thì tội và phước chen nhau, song song đi theo huệ mạng từ vô thỉ đến vô chung, biết bao giờ thoát nạn đây?
Phật nói: “Ức ức nhân tu hành, hãn nhất đắc độ…”. Trong thời mạt pháp này tu
hành để đắc quả thật khó khăn vô cùng. Vậy mà hiện nay lại có những hiện tượng tu
hành chứng đắc quá nhanh, quá dễ. Chẳng lẽ lời Phật dạy trong kinh đã có vấn đề
sao?... Không đâu. Người tu học Phật phải y theo kinh giáo, phải theo lời tổ dạy,
đừng sơ ý nữa, đừng hiếu kỳ nữa…
Chư vị nên nhớ cho, Phật nói lời chánh
pháp, chư tổ thì tuyên dương lời Phật dạy. Chư vị tổ sư thường thường là chư Phật,
Bồ-Tát thị hiện, không bao giờ các Ngài nói lời sơ suất. Có sơ suất chăng là do
chính ta nghe không kỹ, trạch pháp không chính xác, vội vã trích đoạn không thích
hợp căn cơ, cắt trước bỏ sau… làm cho chơn thực nghĩa của kinh luận bị lệch, tạo
ra sự hiểu lầm quá lớn mà thôi.
Vậy thì, nếu ai là người thấy rõ mình còn phàm phu thì phải tập tánh khiêm cung, cẩn thận đường tu tập. Hãy nghe theo lời Phật, nếu không hiểu thấu lời Phật dạy, thì nên nghe theo lời tổ, nghe lời các vị cao tăng hướng dẫn. Các Ngài gần gũi với chúng ta hơn. Biết chừng đâu các Ngài cũng là chư Phật, Bồ-Tát thị hiện độ chúng sanh, các Ngài luôn luôn trạch pháp cho chúng sanh tu hành thành tựu mà chúng ta không hay. Trạch pháp là gì? Là lựa chọn phương pháp tu hành thích hợp với căn cơ của chúng sanh, thích hợp với từng thời kỳ, để giúp cho chúng sanh có cơ hội đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc.
Phương pháp tu hành để thoát vòng sanh tử
do đức Thế-Tôn trao truyền, thì Ngài là thầy của ta. Thầy đã biết vấn nạn thi cử
của những người phàm phu này trong lúc xả bỏ báo thân phàm tục để thoát nạn phải
làm gì rồi. Thầy nói, ba tạng kinh điển, 84 ngàn pháp môn, quá nhiều... sức các
con học không nổi, hiểu không thấu. Bây giờ đừng lo chuyện đó nữa, cứ lo niệm
câu A-Di-Đà Phật đi thì các con sẽ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nghĩa là
các con sẽ đậu, sẽ không còn thống khổ sanh tử luân hồi nữa. Thành tựu rồi thì tự các con
sẽ biết tất cả...
Chúng ta hãy nghe lời thầy của chúng ta đi...
Chắc chắn trước vấn nạn sanh tử luân hồi, đề thi của Ngài là Tín-Nguyện-Hạnh. Lời giải cho chúng ta là “Niệm 10 câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ” thôi. Người nào trước giờ phút lâm chung niệm được 10 câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Tịnh-Độ thì chắc chắn được vãng sanh. Ta cứ như vậy mà chí thành y giáo phụng hành đi, chí kính mà niệm câu A-Di-Đà Phật đi…chư vị từng người, từng người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Xin thưa với chư vị, mình tu đây là để sau cùng niệm được 10 câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh. Nhưng chắc chưa? Chưa chắc đâu. Vì đến giai đoạn nằm chèo queo thở phì phèo rồi, kẻ phàm phu hạ căn này chưa chắc gì niệm được 10 câu Phật hiệu. Chính vì vậy, mà ở đây ngày chủ nhật từ sáng đến tối chúng ta niệm Phật suốt, từ tối đến sáng vẫn là câu A-Di-Đà Phật để dụng công.
Ngài Tịnh-Không nói, thời mạt pháp này đừng nên đóng cửa tự tu một mình. Niệm Phật rồi chúng ta còn phải cẩn thận nương dựa vào nhau nữa. Nhất định phải nương dựa vào nhau, giúp đỡ nhau để trong lúc lâm chung thực hiện cho kỳ được 10 niệm tất sanh.
Một người chơn thật tu hành, khi chứng đắc bao giờ lại đi khoe ra ngoài. Còn người vì quá tham trước vào những gì huyễn hoặc nên thường quên đi chính mình còn là phàm phu, chướng sâu, trí cạn. Hàng phàm phu này phải dùng đến tâm chí thành để được Phật thương xót tiếp độ về Tây-Phương Tịnh-Độ mới đúng.
Khi gặp được A-Di-Đà Phật rồi, nhờ thần lực của Ngài gia trì mà bứng tất cả cội rễ nghiệp chướng ra làm cho chơn tâm hiển lộ. Vậy thì hàng phàm phu như chúng ta được hiển lộ chơn tâm không phải ở tại cõi Ta-bà này, mà hiển lộ chân tâm ở cõi Tây-Phương Cực-Lạc.
Nên nhớ điểm này nhé: Cái tâm của chúng ta gieo xuống cõi Ta-bà này không được đâu. Cõi ngũ trược ác thế không gieo được, có cố gắng gieo được đi nữa thì bao nhiêu cái ác, cái hiểm khắp nơi cứ tiếp tục tấn công mà vùi dập mình xuống. Hy vọng của mình chưa kịp ló dạng, thì đã bị bẻ gãy rồi.
Hiểu được như vậy, ta mới thấy người niệm Phật muốn được vãng sanh trong thời này rất cần đến hộ niệm, rất cần hộ niệm. Muốn được hộ niệm cho viên mãn xin thưa với chư vị, những điều sau đây cần phải ghi nhớ:
- Chấp trước nên bỏ.
- Tự cao nên bỏ.
- Hiếu kỳ nên bỏ.
- Ham thích cảnh giới nên bỏ
Mong chư vị hãy điềm đạm, khiêm cung, kính cẩn niệm Phật và hãy biết kết hợp với nhau như một bó đũa 21 chiếc. Một bó đũa 21 chiếc đơn giản vậy thôi mà khó ai có thể bẽ gãy.
Mong chư vị quyết lòng quyết dạ kết hợp chặt chẽ, hộ niệm cho nhau. Chúng ta đi con đường vững vàng, an ổn để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. (Trích Hộ Niệm Chú Ý 20)
Nam Mô A Di Đà Phật
Copyright 2017 © Designed by Gowebbi. All rights reserved.
leave a comment